Biến dây đai phế liệu thành hộp đựng tài liệu, túi xách

05/09/2023 02:18

Từ năm 2018, khi phong trào thu gom rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng túi nilon được triển khai ở các các phường trên địa bàn TP Hạ Long, thì cũng là lúc Hội LHPN phường Hà Trung đã có ý tưởng sử dụng dây đai phế liệu ở các công trình xây dựng để đan thành những sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

Biến dây đai phế liệu thành hộp đựng tài liệu, túi xách

Cô Mừng giới thiệu những sản phẩm của chị em phụ nữ đan lát từ dây đai phế liệu

Cô Hoàng Thị Mừng, tổ 38, khu 4, Hà Trung Phụ cho biết: “Trước đây phường có nghề đan lát bằng cây làng giàng nhưng về sau rừng không còn, cùng với đó thời kỳ năm 2018, phong trào bảo vệ môi trường được thành phố phát động triển khai mạnh mẽ ở các khu phố, các cô đã nghĩ ra sử dụng dây đai phế liệu để thay thế. Từ năm 2018 đến nay, khu phố 2 và 4, phường Hà Trung một số chị em phụ nữ đã sử dụng dây đai phế liệu để đan những vật dung như làn, hộp đựng tài liệu, túi xách, sọt đựng rác nhỏ…”

Để tạo ra được những vật dụng hữu ích, đều phụ thuộc vào dây đai đi gom, nhặt từ những công trình xây dựng như dây gạch, dây buộc các hộp linh kiện không còn sử dụng, chị em phụ nữ phường lại tổ chức đi thu gom. Sau khi thu gom về dây đai sẽ được rửa sạch, phôi khô, tuốt thẳng, phân loại rồi mới đưa tới các gia đình để đan sản phẩm.

Biến dây đai phế liệu thành hộp đựng tài liệu, túi xách

Các sản phẩm từ đây đai phế liệu chủ yếu là làn, khay đựng tài liệu và sọt đựng rác

Cô Mừng cho hay: “Có người đặt mua sản phẩm thì các cô lại đi thu nhặt dây, tập trung chị em đi xin rồi thu gom về. Đây đai hoàn toàn đi xin ở các công trình xây dựng, chứ không phải mua, nên có tháng không có dây đai để làm. Tùy loại dây các cô đan phù hợp với từng loại sản phẩm và theo nhu cầu của người dùng hoặc đặt mẫu các cô lại làm”.

Điều làm lên tên tuổi của các sản phẩm từ dây đai phế liệu không phải vì mẫu mã đẹp, chất lượng mà đằng sau đó là hoạt động hết sức nhân văn về hoạt động môi trường.

“Các cô làm vì mục đích tuyên truyền bảo vệ môi trường, thông qua các sản phẩm truyền đạt tới mọi người thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải và tái chế những vật dụng còn dùng được, hạn chế sử dụng túi nilon. Hầu hết các cô trong tổ, hội tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm ra sản phẩm, chứ không vì mục đích kinh doanh, thương mại. Nhiều người đã biết tới sản phầm và đã tìm đến để mua và đặt hàng, có cả những vị khách nước ngoài họ cũng biết tới”, cô Mừng chia sẻ.

Các sản phẩm từ dây đai của chị em phụ nữ phường Hà Trung đã có mặt tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận Quảng Ninh. Tại các buổi hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh đều có một không gian nhỏ để chị em trưng bày sản phẩm.

Biến dây đai phế liệu thành hộp đựng tài liệu, túi xách

Sản phẩm được đan rất tỉ mỉ và cẩn thận

Bà Hoàng Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Trung cho biết: “Để nhân rộng hoạt đông đan lát từ dây đai phế liệu các cô vận động chị em hội viên biết đan lát sau đó thành lập tổ, nhóm dạy các bà các mẹ rảnh rỗi hoặc nghỉ hưu có thời gian để làm sản phẩm. Từ đó nhân rộng ra các khu phố, ngoài những sản phẩm phục vụ hàng ngày các cô còn đan các sản phẩm mô hình cho các trường mầm non, tiểu học để phục vụ cho công tác giảng dạy về giảm thiều rác thải nhựa, túi nilon. Cùng với đó một số trường còn mời các cô về dạy đan ở các tiết ngoại khóa để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu lớp mầm non, tiểu học”.

Cũng theo bà Vinh, hầu hết các sản phẩm bán được chị em lại dành một phần tiền gây quỹ từ thiện, quỹ hoạt động phong trào hội phụ nữ, hỗ trợ chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn và một phần nhỏ gửi cho người trực tiếp đan lát sản phẩm.

V. Hùng

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Biến dây đai phế liệu thành hộp đựng tài liệu, túi xách - Sống Khỏe