Xuất khẩu dần phục hồi và tăng trưởng

12/07/2023 14:08

Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Quang Vinh.

Trong 6 tháng đầu năm, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng của cả nước trong 6 tháng đầu năm khi đạt mức tăng 2 con số, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7%, xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguyên nhân khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm, theo ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) là do từ quý III/2022, lạm phát tăng cao kéo dài sang năm 2023 và hiện nền kinh tế của nhiều nước vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm. Cùng với việc giảm tổng cầu và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu có cùng cơ cấu hàng xuất khẩu thì chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, cũng theo ông Đông, hiện hoạt động xuất khẩu đang lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng. Thặng dư thương mại lớn (12,2 tỷ USD) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hồi, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng khá tốt, đặc biệt là mặt hàng rau quả, gạo và hạt điều.

Để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, ông Trần Duy Đông cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng (như Israel, UEA, Mercosur…); tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; Đồng thời, cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Chủ đề: Xuất khẩu tăng trưởng và dần phục hồiTin liên quan

Xuất khẩu dần phục hồi và tăng trưởng

Nhiều triển vọng xuất khẩu gạo

10/07/23 07:30

Theo Nguồn daidoanket.vn

Xuất khẩu dần phục hồi và tăng trưởng - Tin Tức